Covid-19 thúc đẩy giáo dục tiến nhanh vào tương lai

BBT – Đại dịch Covid-19 là một cuộc khủng hoảng không ai mong muốn, và đang tạo nhiều xáo trộn cho ngành giáo dục trên toàn thế giới. Nhưng khủng hoảng cũng đồng thời là cơ hội nếu chúng ta biết tự suy xét, phản tỉnh, nhận ra những quy luật mới và thuận theo quy luật mà hoàn cảnh mới đòi hỏi. Đó là nội dung chính mà bài viết của Sean Slade đang gửi đến chúng ta. Xin trân trọng giới thiệu bài viết hữu ích này đến các cộng đồng học tập mà FLC cũng đang mong muốn góp phần thúc đẩy tại Việt Nam.

————————-

Tác giả: Sean Slade, Trúc Thông chuyển ngữ

Trong nhiều thập niên sắp tới, những tháng đầu tiên của năm 2020 sẽ được xem là thời điểm đánh dấu một bước ngoặt. Đây được xem là thời điểm chúng ta thay đổi cách thức hoạt động, cách nhận thức về chính mình, về cộng đồng và về mục đích của chúng ta.

Giáo dục đang chịu ảnh hưởng và sẽ không miễn nhiễm trước những thay đổi này. Trên thực tế, nhiều sự thay đổi diễn ra nhanh chóng đến nỗi nhiều người trong chúng ta quá bận rộn nên không nhận thấy những thay đổi diễn ra ngay trước mắt.

Khủng hoảng Covid 19 đang và sẽ thúc đẩy giáo dục tiến vào tương lai trước một thập niên. Không thể phủ nhận những lợi ích mà việc “nhảy cóc” này đem lại  (mượn một thuật ngữ của nhóm nghiên cứu Brookings)  trong cách giáo dục, nơi giáo dục và mục đích giáo dục —  nhưng  vẫn có những tổn thất từ cú nhảy cóc này, phần lớn đến từ sự bất công hiện có trong giáo dục.  

Nói một cách công khai, phần lớn các vấn đề này đã từng được thảo luận và thực hiện ở các trường từ nhiều năm nay, nên không có gì mới.   Điểm khác biệt so với trước là các đề mục này nhanh chóng trở thành chính thống. 

Chúng phản ánh công trình cuả một số nhóm nghiên cứu như  báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu và Đổi mới giáo dục (OECD/CERI 2001 )  về Trường học của tương lai, nghiên cứu của nhóm Brookings  tựa đề Học cách nhảy cóc và phần cốt lõi trong đề án Tương lai của giáo dục năm 2030.

Sau đây là những gì chúng tôi nghe được: 

Các cộng đồng học tập

Với Covid-19 chúng ta đã tạo ra các cộng đồng học tập, và điều này được kỳ vọng sẽ còn phát triển mạnh hơn nữa. Các cộng đồng học tập là không gian cho quá trình học tập diễn ra  giữa những con người trong cộng đồng và các nguồn lực và kiến thức phối hợp. Các cộng đồng học tập thoát khỏi việc giảng dạy mô phạm, ở đó giáo viên thuyết giảng và học sinh lắng nghe. Các cộng đồng học tập  công nhận rằng tất cả chúng ta đều đang học hỏi trong mọi lúc.

Các cộng đồng học tập là lớp học của chúng ta dù chúng ta hiện diện ở đó, hay như bây giờ, đang trực tuyến. Các cộng đồng học tập có thể thông qua trường học, ở các địa điểm chúng ta thực sự có mặt. Cuối cùng, chúng ta sẽ  chứng kiến các cộng đồng này phát triển trong và khắp cộng đồng của chúng ta  – dù hiện diện thực sự hay trực tuyến, và các trường học và lớp học của chúng ta biến thành các trung tâm sư phạm ở đó việc học được hướng dẫn chứ không được cung cấp. Nhiều học sinh đang thực hiện kiểu học tập này qua các video của youtube và các trang giáo dục khác dù chỉ với tư cách là người học cá nhân tìm kiếm thông tin và sự hướng dẫn. Nhiều giáo viên đang thực hiện việc hướng dẫn học tập qua các mạng xã hội học tập chuyên nghiệp như  Twitter Chats và  PLC (các cộng đồng học tập chuyên nghiệp). Điều chúng ta hướng tới là các cộng đồng học tập bao gồm  chương trình từ mẫu giáo đến lớp 12, kết nối việc học tập vì học sinh và cùng với học sinh, với việc học tập chuyên nghiệp và phát triển giáo viên.

Người học tự chủ

Các trường học và lớp học đối phó thành công với cuộc khủng hoảng này là những nơi phát triển ý thức tự chủ và sở hũu đối với việc học tập của chính mình.  Tìm cách tái tạo một lớp học chuẩn theo truyền thống với sự hiện diện thường xuyên của giáo viên là cách làm không hiệu quả khi chúng ta dạy và học từ xa. Học sinh cần phát triển sự hiểu biết về vai trò của mình trong quá trình học tập, được mong đợi và khuyến khích tự xem mình là tác nhân hoặc lý tưởng hơn là những người chủ đối với việc học tập của chính mình.. Để tinh thần làm chủ và chủ động đó được phát triển, học sinh cần đảm nhận trách nhiệm lớn hơn, hiểu rõ những kỳ vọng mới và được tạo cơ hội làm quen với vai trò ngày càng lớn này theo từng giai đoạn. Nhận lãnh trách nhiệm và sự tự chủ phải được cả giáo viên và học sinh nhìn nhận như một quá trình, chứ không xảy ra nhanh chóng và dễ dàng. May thay, phần lớn các trường học và nhà giáo dục đã theo con đường này từ lâu thông qua các hoạt động học tập từ các đề án, do người học chủ trì và hướng dẫn, và qua các chính sách nhằm tạo điều kiện để người học nói lên quan điểm và niềm tin của chính mình. Tuy nhiên chúng ta phải phát triển ý thức về bản thân của người học với tư cách họ là những  đối tác trong quá trình học tập chứ không phải là những người nhận lãnh đơn thuần.

Người hướng dẫn đồng hành

Những thay đổi trong bản chất của sinh viên chỉ có thể thành công nếu chúng ta với tư cách là các nhà giáo dục nhìn lại vai trò của chúng ta, chuyển từ vai trò “Người thầy trên bục dạy” (Sage on the stage) sang vai trò “Người đồng hành ngay bên cạnh  (Guide on the Side). Những thuật ngữ này đã được đề cập  đến trong cộng đồng giáo dục từ nhiều thập niên trở lại đây, và trong khi nhiều người đã chuẩn bị thay đổi vai trò để trở thành chuyên gia sư phạm hay người giám sát học tập, thì nhiều người khác đã bị kẹt trong tâm thế phải giữ nguyên trạng, dù vô tình hay cố ý, do bị ràng buộc bởi các chính sách giáo dục lỗi thời.

Nhưng cái nguyên trạng của chúng ta hiện nay, và có khả năng sẽ tiếp tục từ nay trở đi, là nguyên trạng của sự đổi thay và điều chỉnh. Chúng ta đang ở giữa thế giới VUCA [viết tắt của các từ Volatile, Uncertain, Complex and Ambiguous), nghĩa là một thế giới khả biến (dễ thay đổi), bấp bênh, phức tạp  và mơ hồ. Ngay cả khi cuộc khủng hoảng kết thúc thì  tính khả biến và phức tạp của thế giới vẫn tiếp diễn. Yong Zhao đã nêu trong bài viết cho mục Ý kiến với tựa đề thú vị: “Đậu hủ không phải là phô mai: Hãy hình dung lại một nền giáo dục không trường lớp trong thời kỳ Covid-19″: 

Đây là thời gian để chúng ta dừng lại và nghĩ lại xem điều gì đáng dạy và đáng học. Chúng ta có một cơ hội hiếm hoi để quan sát những gì  chúng ta từng  dạy hay ra sức dạy”

Học cách học 

Chúng ta có cơ hội tiến nhanh vào một giai đoạn trong tương lai, dùng cuộc khủng hoảng này để lật đổ  một hệ thống lỗi thời, thay thế nó bằng một hệ thống đưa người học vào quá trình học và dạy họ cách học.  Nắm vững các nội dung phổ quát đang trở nên ít quan trọng hơn là tính sáng tạo, khả năng giải quyết vấn đề  và tạo ra kiến thức mới. Rebecca Winthrop, công tác tại Viện Brookings đã  viết trong quyển The Learning Compact Renewed: Whole child for the Whole World (Hiệp ước học tập được đổi mới: Trẻ em toàn diện cho một thế giới toàn diện) “Giáo dục cần cung cấp cho trẻ em, ngay cả những trẻ được học ở các trường tốt, khả năng tiến vào một tương lai ngày càng bấp bênh. Người trẻ cần các kinh nghiệm giáo dục giúp họ phát triển năng lực học tập suốt đời; để đạt được điều này các em cần một chương trình học tập trung vào việc rèn luyện các kỹ năng. Tính nghiêm nhặt về  học thuật không đủ mà đôi khi còn có hại nếu nó làm giảm bớt sự tập trung vào việc học cách học, cách giao tiếp, cách giải quyết vấn đề và phát triển bản thân.

An sinh/hạnh phúc (well-being)

Đây là vấn đề về bản ngã. về con người và và con người toàn diện.

Nếu có một kết quả  mỹ mãn cho cuộc khủng hoảng này thì đó là việc chúng ta quay  trở lại đánh giá cao sự cần thiết tập trung vào sự an sinh, hạnh phúc của cá nhân và tập thể. Dù niềm vui có đến từ những buổi biểu diễn gắn kết cộng đồng ở Ý hay từ lời tán thưởng và lòng biết ơn thể hiện ở khắp New York City, thì sức khoẻ và hạnh phúc của chúng ta vẫn đứng đầu. Giáo viên, nhà giáo dục và các hiệu trưởng đã lan truyền thông điệp này, chú trọng việc giảm bớt lo âu, xây dựng cộng đồng, tạo cảm giác an toàn cho học sinh. Các khu vực cùng với các chuyên gia khuyến trợ giáo dục đã và đang đấu tranh để bảo đảm duy trì thực phẩm và dinh dưỡng cơ bản . An sinh được đưa lên hàng đầu danh sách những việc ưu tiên cần làm. Đây là một thí dụ rõ ràng cho việc cần thiết phải chú trọng đến lý thuyết của Maslow trước khi áp dụng quan điểm của Bloom.

Một thí dụ chủ chốt về khuynh hướng này trong nhà trường và khu vực lân cận là sự chú trọng vào việc di chuyển, vận động,và chơi đùa. William Doyle & Pasi Sahlberg gần đây đã viết trên tờ Washington Post “Trong tình hình khẩn cấp về sức khoẻ, các nhà lãnh đạo chính phủ khẩn trương tìm tư vấn của các chuyên gia khoa học và y khoa. Họ cần làm việc tương tự cho giáo dục.  Khi đại dịch Covid-19 qua đi và thế giới mở cửa trở lại, chúng ta cần tái thiết kế trường học, sử dụng các bằng chứng tốt nhất của chuyên gia như chúng ta đang hành động để đối phó với đại dịch về sức khoẻ toàn cầu. Chúng ta đem đến cho trẻ em những trường học theo lời khuyên của bác sĩ, cho chúng chơi đùa và tham gia nhiều hoạt động thể chất để tiếp thêm năng lượng cho học tập, tăng thêm sức khoẻ và hạnh phúc

Biết rõ  (chứ không chỉ nghĩ) rằng chúng ta được kết nối với nhau

Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã giúp chúng ta nhận ra một thực tế (chứ không phải già thiết) rằng chúng ta đang liên kết với nhau, đang kết nối với cộng đồng, với một xã hội rộng lớn hơn, và với toàn cầu. Đại dịch toàn cầu đã minh hoạ một cách chắc chắn rằng những gì xảy ra ở một vùng miền sẽ ảnh hưởng đến những vùng miền khác. Trong bài báo tựa đề Dạy học cho thế giới và cùng thế giới, (Teaching with and for the world), là  một phần của quyển sách Learning Compact Renewed, Dennis Shirley and Pak Tee Ng đã phác hoạ  sự cần thiết trong hiện tại và tương lai.

Các nhà giáo dục khắp thế giới đang đương đầu với sự thay đổi  mãnh liệt chưa từng có như một cơn sóng thần. Các triển vọng của chúng ta đang thay đổi với tốc độ chóng mặt do kết quả của năng lực kỹ thuật mới, sự di chuyển dân cư, sự hỗn loạn chính trị, tính bấp bênh của nền kinh tế và sự mong manh của môi trường. Ngay cả định nghĩa thế nào là dạy học , sống và học tập hay cùng  học với mọi người nhằm nâng cao những điều tốt đẹp, cũng đang biến dạng ngay trước mắt chúng ta.

Để đương đầu với những thách thức mang tính liên kết này các nhà giáo dục không còn tập trung vào các địa bàn  gần mình hoặc trong đất nước mình, Đúng hơn, thế giới ngày nay cần các nhà giáo dục vươn ra toàn cầu, hiểu được sự lệ thuộc lẫn nhau trong một thế giới thay đổi nhanh chóng. Các nhà giáo dục ngày nay có nhiệm vụ chuẩn bị cho một thế hệ đang tiến lên có thể  nắm bắt  những cơ hội đang có để bảo đảm hoà bình, tăng thêm sự phồn thịnh  và hoà hợp giữa các dân tộc.”

Những bất công

Tuy nhiên thay đổi không phải lúc nào cũng tích cực. Những người ít được hỗ trợ thường phải chịu thiệt nhiều nhất trong thời gian diễn ra thay đổi. Cuộc khủng hoảng Covid-19 làm nổi bật, phát triển và làm trầm trọng thêm những bất công. Cuộc khủng hoảng này một mặt tạo cơ hội và mở cửa cho sự thay đổi, nhưng mặt khác, nó không giúp giải quyết những bất công mà còn tạo sức mạnh siêu cường cho những bất công này nếu chúng ta không hành động để thay đổi và đương đầu với chúng. Từ tình trạng thiếu nguồn lực đến các trường, các cộng đồng, các dịch vụ hỗ trợ thiếu kinh phí, cuộc khủng hoảng này đang nhắm tới những người cần hoặc rất cần sự nâng đỡ nhiều hơn. Virút không phân biệt nhưng các hệ thống không công bằng khác nhau của chúng ta thì có phân biệt. 

Cuộc khủng hoảng này tấn công mạnh vào  các cộng đồng không được phục vụ, và trên quan điểm giáo dục, đây là những học sinh không thể tiếp cận internet hay đến thư viện, những học sinh có thể không đủ lương thực để ăn hay thiếu những phương pháp giúp chúng cảm thấy được kết nối với trường lớp và cộng đồng vì lệnh đóng cửa. Đó là những học sinh cần được hỗ trợ nhiều nhất. David Griffih đã viết như sau trong bài The Conversation We Are Not Having About Coronavirus: (Cuộc đối thoại chưa xảy ra về Virut Corona)

Ngoài việc giảng dạy hàng ngày bị thiếu và có thể bù lại bằng cách thêm ngày học vào cuối năm, tổn thất lớn nhất liên quan đến việc đóng cửa trường học là 22 triệu bữa ăn sáng  và ăn trưa miễn phí hoặc được hỗ trợ giá tại trường đã không còn. Đối với rất nhiều học sinh  những bữa ăn này là nguồn dinh dưỡng chính hằng ngày – một thực tế mà học tập từ xa không giải quyết được. Học sinh không chỉ thiếu học tập và thiếu dinh dưỡng. Đối với nhiều em trường học đôi khi là nơi duy nhất trẻ có thể giao lưu hằng ngày với người lớn trong mối quan hệ nâng đỡ, những người thừa nhận tài năng và tiềm năng của trẻ với tư cách là những cá nhân.

Cuộc khủng hoảng này sẽ thay đổi xã hội và cộng đồng của chúng ta, và có nhiều khả năng buộc các hệ thống giáo dục tiến đến một thực tế mới. Chúng ta không thể kiểm soát mọi thứ, nhưng chúng ta có thể kiểm soát cách đối phó và phản ứng với các tình huống này.  Chúng ta  có vai trò  vừa là thành viên của xã hội, vừa là nhà giáo dục để hình dung chúng ta muốn thay đổi những gì, cần những gì và không cần những gì. Và chúng phải thực hiện  các vai trò này để đem lại các thay đổi mong muốn.

Chúng ta đang trong quá trình theo dõi nhanh và  cố gắng  lên kế hoạch cho hệ thống giáo dục trong tương lai; hệ thống ấy sẽ như thế nào và con cái chúng ta sẽ được thừa hưởng những gì; một hệ thống có cốt lõi là  sự học tập, cộng đồng, tự chủ, hạnh phúc hay một hệ thống bị thống trị bởi  sự lỗi thời và bất công.

Nguồn: https://inservice.ascd.org/how-covid-19-will-force-education-into-the-future/

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.