BBT: Những câu chuyện ý nghĩa luôn có sức lan tỏa và thu hút mạnh mẽ với bất kỳ ai, đặc biệt là trẻ em. Thông qua những câu chuyện, ta hiểu được mọi người, mọi việc xung quanh và nhìn lạiđược chính mình. Trong việc học ngôn ngữ, những câu chuyện không chỉ giúp học sinh thư giãn và gắn kết với nhau, mà còn giúp các em phát triển kỹ năng ngôn ngữ và tiếp thu bài học hiệu quả hơn.
Hãy cùng FLC tìm hiểu “Sức mạnh của những câu chuyện” trong các lớp học ngữ pháp qua bài viết dưới đây bạn nhé!
Sức mạnh của những câu chuyện
Những câu chuyện có thể là những công cụ hiệu quả trong và ngoài lớp học. Bên cạnh viêc dạy và giúp chúng ta ghi nhớ thông tin, các câu chuyện cũng kết nối chúng ta với những ý tưởng và những con người mới. Và khi chúng phản ánh được những trải nghiệm và con người của chính chúng ta, ta cảm thấy bản thân được công nhận và lắng nghe. Khi những câu chuyện mang tính truyền cảm hứng, chúng có thể động viên và thêm sức mạnh cho chúng ta. Những câu chuyện có thể xoay quanh các nhân vật và sự kiện lịch sử, những cốt truyện và nhân vật hư cấu, hoặc về chính học sinh và cuộc đời của các em.
Lồng ghép những cốt truyện vào bài luyện tập ngữ pháp mang lại hiệu quả cao vì học sinh có thể (1) nhìn thấy ngữ pháp trong ngữ cảnh thực tế, (2) nhớ điểm ngữ pháp một cách dễ dàng hơn so với những câu hoặc chủ điểm không liên quan đến nhau, (3) phát triển óc sáng tạo, (4) biết thêm về những người và sự kiện quan trọng cả trong quá khứ lẫn hiện tại, (5) cảm thấy được công nhận và thúc đẩy vì những câu chuyện được học trong lớp xoay quanh chính trải nghiệm của mình, và (6) được khuyến khích tìm hiểu và thực hành trên một chủ đề quan trọng đối với các em.
Các câu chuyện có thể giúp ích cho bài học ngữ pháp như thế nào?
Chỉ cần một chút sáng tạo, những câu chuyện sẽ có thể được ứng dụng để dạy bất kì cấu trúc ngữ pháp nào. Trong phần này, tôi sẽ đưa ra những ví dụ cho 4 chủ đề ngữ pháp thường được dạy: thì quá khứ đơn, mệnh đề quan hệ, các từ chỉ thứ tự thời gian, và động từ khiếm khuyết chỉ dự đoán/ xác suất.
Thì quá khứ đơn
Một câu chuyện là một bối cảnh tự nhiên để sử dụng động từ trong quá khứ đơn, và có rất nhiều cách lồng ghép các hoạt động luyện tập thế này trong lớp học.
- Điền vào chỗ trống: Học sinh đọc một đoạn văn lịch sử hoặc hư cấu, trong đó một số động từ đang thiếu và các em cần điền động từ vào cho đúng thì (có thể có một số gợi ý) (Vui lòng xem link đính kèm cuối bài để biết thêm nhiều ví dụ).
- Ghép hình: Học sinh làm việc theo cặp. Học sinh A và học sinh B có những thông tin khác nhau về một người quan trọng nhưng không quá nổi tiếng (VD: Wangari Maathai, một người Kenya đã thắng giả Nobel Hòa bình). Các em phải cùng hợp tác để hoàn thành văn bản.
- Bài thuyết trình: Học sinh chia sẻ những bức hình của những sự kiện chính trong đời mình (sinh nhật, tốt nghiệp, kết hôn, …) và trả lời các câu hỏi từ cả lớp về những sự kiện diễn ra trong đó.
Mệnh đề quan hệ
Một chủ đề ngữ pháp thường gặp khác là mệnh đề quan hệ. Với các trình độ trung cấp và trên sơ cấp, học sinh có thể luyện tập về các từ who, which, và that. Với trình độ trên trung cấp, các em có thể luyện tập về whose hoặc các mệnh đề giới hạn hoặc không giới hạn.
- Nối: Các cặp học sinh được đưa một nửa phần của 3-5 câu (VD: Junko Tabei was a Japanese mountaineer). Các em sẽ đi quanh lớp để tìm những thẻ gợi ý, trong đó có phần còn lại của những câu đó, có chứa một mệnh đề quan hệ. (VD: who is most famous for being the first woman to climb the highest peak on every continent).
- Bài đố vui: Đọc tên một nhân vật lịch sử (VD: Mario Molina). Học sinh làm việc theo nhóm để sử dụng mệnh đề quan hệ và mô tả người được nói đến (VD: Mario Molina was a Mexican scientist whose work on chlorofluorocarbon gases and the ozone layer led to his Nobel Prize in Chemistry).
- Đoán nhân vật. Học sinh mang ảnh của người thân trong gia đình và chia sẻ theo nhóm, sử dụng mệnh đề quan hệ và không nêu tên người đang nhắc đến (VD: This is the person who helped me get my first job). Các thành viên trong nhóm phải đoán đâu là người đang được nhắc tới.
Những từ và cấu trúc chỉ thứ tự
Các câu chuyện là một cách để dẫn dắt bài học về các từ vựng chỉ thứ tự. Các học sinh sơ cấp có thể tập trung vào những câu đơn giản sử dụng các từ như first, next, then, và finally. Học sinh trình độ cao hơn có thể học những câu phức cùng với các từ after, before, when, and while. Khi người học đã thuần thục các từ này, các em có thể chuyển sang học các thì động từ mới. Ví dụ, một học sinh trình độ sau sơ cấp có thể hiểu và sử dụng thì quá khứ đơn trong các câu như When Bessie Coleman was a child, schools were still segregated. Học sinh trình độ sau sơ cấp và nâng cao sẽ đủ khả năng học các cấu trúc phức tạp hơn, đơn cử như Bessie Coleman became famous for her stunts as a pilot, but she was killed while flying at the age of 34.
- Dãy các câu xâu chuỗi: Học sinh nhận được những chuỗi câu. Các em làm việc theo nhóm và tìm thứ tự đúng của các câu để tạo thành câu chuyện logic. Sau đó các em viết hoặc kể lại câu chuyện này bằng cách sử dụng các từ thứ tự như first, next, và finally. Các câu chuyện có thể là hư cấu hoặc liên quan đến lịch sử.
- Đóng vai: học sinh đóng vai và phỏng vấn những người nổi tiếng hoặc nhân chứng của một sự kiện lịch sử và luyện tập sử dụng các cấu trúc thứ tự để tìm hiểu những sự kiện đã diễn ra.
- Sáng tạo sách: học sinh viết sách giấy hoặc sách điện tử về một sự kiện có thật hoặc tưởng tượng trong cuộc sống, sử dụng những từ và cấu trúc chỉ thứ tự.
Động từ khiếm khuyết chỉ sự dự đoán hoặc khả năng:
- Dự đoán kết thúc của câu chuyện: Học sinh đọc hoặc nghe phần đầu của một câu chuyện có thật hoặc hư cấu. Các em dự đoán kết cục của câu chuyện bằng cách sử dụng động từ khiếm khuyết (VD: They might live happily every after).
- Who did it – Ai là người làm điều đó: Học sinh nhận 10 bức ảnh của những nhân vật lịch sử (có hoặc không kèm tên) và 10 miêu tả về một số thành tựu. Các em phải nối những nhân vật với những thành tựu bằng cách dùng động từ khiếm khuyết chỉ dự đoán và khả năng (VD: Naguib Mahfouz must have won the Nobel Prize in Literature).
- Dự án phát triển cộng đồng: Sau khi thảo luận về những nhà lãnh đạo đã mang lại những chuyển biến tích cực cho thế giới, học sinh có thể chiêm nghiệm lại về những vấn đề ở địa phương và tìm cách phát triển cộng đồng của mình. Các em có thể trình bày dự án của mình dưới dạng câu chuyện về cách các em lên kế hoạch mang lại những chuyển biến hoặc có thể mô tả chiến lược của mình như thể chúng đã được hoàn thành.
Hãy ghé xem link này để sưu tầm các tài liệu, mẩu truyện ngắn giúp học sinh của bạn luyện tập trong quá trình học nhé.
Tác giả: Nicole Brun-Mercer
Nguồn: Once Upon a Noun: Using Stories to Teach Grammar
Biên dịch: Đinh Trần Phương Anh