DA 1.5 – Chương IV: Làm việc với giáo viên về các giá trị, niềm tin, tập huấn cho họ về kỷ luật tích cực và quản lý lớp học

Tiếp theo Chương III (Section 3), chúng tôi xin gửi đến quý độc giả Chương IV (Section 4) của tài liệu này.


Tên tài liệu: Ngăn chặn bạo lực học đường (tt)

 

CHƯƠNG IV: LÀM VIỆC VỚI GIÁO VIÊN VỀ CÁC GIÁ TRỊ, NIỀM TIN

TẬP HUẤN CHO HỌ VỀ KỶ LUẬT TÍCH CỰC VÀ QUẢN LÝ LỚP HỌC

 

Vai trò trọng tâm của việc phòng chống bạo lực học đường là tạo ra một môi trường học tập an toàn, đặt cơ sở trên sự bình đẳng và tôn trọng trong đó viêc học được đề cao.  (WHO 2016a; UNESCO and UN Women 2016). Để làm được điều này thì những hành vi xấu cần phải được xử lí trong tinh thần xây dựng và hành vi tốt phải được khen thưởng (Naker and Sekitoleko, 2009; UNESCO 2015; UNESCO and UN Women 2016). Điều trọng yếu là giúp giáo viên hiểu tầm quan trọng của một lớp học an toàn, vì một nơi học tập an toàn có thể hỗ trợ hiệu quả cho việc học và năng lực chịu trách nhiệm cho hành vi bản thân của học sinh (Naker and Sekitileko, 2009).

Việc tập huấn giáo viên thông thường được tổ chức theo hình thức nhóm, bao gồm các hoạt động thực hành, bài tập theo nhóm nhỏ và nhập vai. Những việc cần làm là:

1. Giải quyết những niềm tin có hại và những định kiến của các giáo viên về văn hóa, xã hội và giới tính

Việc giảng dạy có thể chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các định kiến về xã hội, văn hóa và giới tính cũng như kinh nghiệm và niềm tin của các giáo viên. Ví dụ, việc sử dụng hình phạt đối với thể xác và cảm xúc học sinh có thể xuất phát từ văn hóa và niềm tin của cá nhân giáo viên hay của cả xã hội cho rằng những hình phạt đó là cách bình thường và hiệu quả để thi hành kỷ luật đối với học sinh (Office of the Special Representative of the Secretary General on Violence, 2012). Sự bất bình đẳng về quyền giữa nam giới và nữ giới, vai trò của giới và các định kiến làm cho xã hội dễ dàng chấp nhận việc giáo viên ít quan tâm đến nữ sinh hơn so với các nam sinh, việc sử dụng các hình phạt khác nhau đối với nữ sinh và nam sinh (ví dụ, dùng hình phạt đánh đòn đối với nam sinh và hình phạt về cảm xúc hay ngôn từ  đối với nữ sinh) hoặc việc bỏ qua cho các hành vi thiếu tôn trọng của các nam sinh đối với các nữ sinh (Office of the Special Representative of the Secretary General on Violence, 2012). Tương tự, các định kiến về văn hóa và xã hội dựa trên sắc tộc, khuyết tật hoặc khuynh hướng tính dục có thể ảnh hưởng đến việc giảng dạy, khiến vài nhóm học sinh dễ trở thành nạn nhân của bạo lực, bắt nạt và đối xử không công bằng từ các học sinh khác hoặc từ nhân viên nhà trường. (UNESCO, 2012; Office of the Special Representative of the Secretary General on Violence, 2012; Pinheiro, 2006).

Điều quan trọng là tạo cho giáo viên cơ hội nâng cao nhận thức về chuẩn mực xã hội, văn hóa và giới tính, là những yếu tố có thể ảnh hưởng đến phương pháp cách đạt được sự bình đẳng trong giảng dạy. Các khóa đào tạo này có thể tập trung vào những vấn đề sau (dựa theo UNESCO and U N Women, 2016; Fancy and McAsian Fraser, 2014):

Ÿ Nhận thức về chuẩn mực xã hội, văn hóa và giới tính và sự ảnh hưởng của những chuẩn mực này đối với việc giảng dạy, đối với hành vi bạo lực và việc đến trường của học sinh;

Ÿ Vai trò của việc giảng dạy và các tài liệu  học tập trong việc củng cố chuẩn mực xã hội, văn hóa và giới tính;

Ÿ Phương pháp để học sinh nhận diện bạo lực dựa trên chuẩn mực xã hội, văn hóa và định kiến giới tính, cách đặt vấn đề và xử lý hành vi này trong học sinh. Giáo viên cần hiểu rõ những quy định của nhà trường về hành vi bạo lực (Chương I). Đội ngũ quản lý nhà trường cần hỗ trợ giáo viên thực hiện các quy định này. Giáo viên cần được tập huấn về phương pháp xử lý trong trường hợp xảy ra bạo lực. (Chương V).

2. Làm việc với giáo viên về kỷ luật tích cực và quản lý lớp học

Tất cả giáo viên cần được tập huấn về kỷ luật tích cực và quản lý lớp học trong quá trình phát triển chuyên môn liên tục. Kỷ luật tích cực bao gồm việc đặt ra các kỳ vọng rõ ràng về cách cư xử của học sinh trong lớp học, khuyến khích và tuyên dương các học sinh đạt được những kỳ vọng đó. Hành vi xấu phải được xử lý bằng các hình phạt phi bạo lực để học sinh có thể hiểu và rút ra bài học từ các lỗi sai của mình (Naker and Sekitoleko, 2009; UNESCO 2015). Những hình phạt này có thể là giảm giờ chơi, dọn dẹp vệ sinh, đổi chỗ ngồi hoặc thảo luận về hành vi đã thực hiện và cách thức sửa sai (UNESCO, 2015). Những phương pháp này được sử dụng thay thế cho các hình phạt thể xác (như các loại đòn roi) hoặc các hình phạt nhắm vào cảm xúc học sinh (như chế giễu, sỉ nhục, coi thường) gây tổn hại cho học sinh và không mang lại nhiều cơ hội sửa sai. Các phương pháp này đã bị cấm ở một số quốc gia và bị các tiêu chuẩn quốc tế lên án. Tại Uganda, bộ công cụ “Trường Học Tốt” hướng dẫn giáo viên về kỷ luật tích cực gồm một chuỗi các bước cần thực hiện để tạo ra “những trường học tốt”. Các hành vi bạo lực đối với học sinh đã được giảm thiểu nhờ sử dụng bộ công cụ này (Box 4.1; Devries et al, 2015).

Tập huấn về kỷ luật cũng có thể bao gồm cả nội dung nâng cao nhận thức về ảnh hưởng của các chấn thương tâm lý, bị bỏ mặc hoặc bị ngược đãi trong đời sống gia đình đối với hành vi và khả năng học tập của trẻ. Cách tiếp cận dựa trên hiểu biết về sang chấn tâm lý sẽ giúp nhận ra mối quan hệ giữa sang chấn tâm lý và hành vi của trẻ cũng như vai trò quan trọng của giáo viên trong việc xây dựng các mối quan hệ an toàn và tin cậy với trẻ bên ngoài đời sống gia đình. Thay vì sử dụng các hình phạt, những phương pháp tiếp cận này sẽ giúp trẻ đang gặp khó khăn giải quyết những vấn đề rộng lớn hơn và giúp cải thiện sức khỏe tinh thần cũng như hành vi của trẻ trong thời gian dài. Tập huấn về kỷ luật tích cực và quản lý lớp học thường tập trung vào:

  • Các chiến lược quản lý những hành vi thách thức;
  • Đưa ra các quy tắc trong lớp học và các hành vi được kỳ vọng nơi học sinh;
  • Xây dựng mối quan hệ tích cực giữa giáo viên và học sinh;
  • Khen thưởng các hành vi đúng đắn;
  • Phát triển các kỹ năng về xã hội, cảm xúc và học tập của học sinh.

 

Bảng 4.1: Bộ công cụ “Trường Học Tốt”

Bộ công cụ “Trường Học Tốt” là phương pháp được sáng tạo bởi tổ chức Raising Voices với mục tiêu tạo ra các môi trường học tập tích cực, an toàn và không bạo lực cho học sinh. Phương pháp tiếp cận của bộ công cụ này là cung cấp một chuỗi sáu bước để tạo ra các “Trường Học Tốt”. Bộ công cụ này bao gồm tài liệu học tập giúp cho giáo viên phát triển các kỹ năng tương tác tích cực với học sinh và xử lý các hành vi thách thức bằng những cách phi bạo lực. Bộ công cụ Trường Học Tốt phản bác các phương pháp bắt học sinh học thuộc lòng và thúc đẩy học sinh bằng nỗi sợ thay vì tập trung giúp học sinh xây dựng sự tự tin và các kỹ năng sống. Tại Uganda, việc áp dụng bộ công cụ này đối với học sinh ở độ tuổi từ 11 đến 14 đã giúp giảm thiểu việc sử dụng bạo lực của nhân viên trường đối với học sinh so với các trường nằm trong nhóm đối chứng.

Devries et al, 2015.

 

 Quản lý lớp học là tạo ra một môi trường lớp học có tổ chức nhằm hỗ trợ việc học tập ở trường lớp, học tập về xã hội và cảm xúc của học sinh cũng như quản lý hành vi học sinh theo cách tích cực (Oliver et al, 2011). Những lớp học được quản lý tốt có thể giúp giảm thiểu đến mức thấp nhất sự gián đoạn do hành vi gây rối từ học sinh và gia tăng tối đa thời gian để giáo viên thực hiện các hoạt động dạy học. Tập huấn về quản lý lớp học có thể giúp giảm các hành vi hung hăng và gây rối của học sinh (Oliver et al, 2011; Trò chơi Hành vi Tốt; Bảng 4.2) và giảm các hành vi bạo lực của giáo viên nhằm vào học sinh (ví dụ, bộ công cụ Lớp học Irie; Bảng 4.2). Các lớp học được quản lý tốt cũng có thể làm tăng mức độ an toàn cho giáo viên và không để giáo viên trở thành nạn nhân của bạo lực.

Trong các nhóm chuyên môn, giáo viên là đối tượng có nguy cơ cao nhất trở thành nạn nhân của bạo lực. Nhà trường cần hỗ trợ những giáo viên là nạn nhân của bạo lực tại nơi làm việc. Các giáo viên thường không chủ động báo cáo các vấn đề này với nhà trường vì sợ ảnh hưởng tiêu cực tới sự nghiệp hoặc cảm thấy xấu hổ vì đã không kiểm soát được tình huống bạo lực. Các trường cần phải quan tâm đến việc thiết lập các cơ chế hỗ trợ mà giáo viên có thể dễ dàng tiếp cận.

 

 Bảng 4.2: Ví dụ về quản lý lớp học và các chương trình kỷ luật tích cực

Bộ công cụ lớp học Irie Baker-Henningham et al, 2016, 2017

Bộ công cụ lớp học Irie là gói tập huấn chi phí thấp nhằm giúp các giáo viên ít được tập huấn và nguồn lực hạn chế ở các nước có mức thu nhập thấp hoặc trung bình. Bộ công cụ này được xây dựng dựa trên chương trình “Những Năm Tuyệt Diệu (Incredible Years) (Chương III; Khung 3.1) và đã đươc điều chỉnh từ những tài liệu đã được thử nghiệm tại các trường mầm non ở Jamaica. Bộ công cụ này gồm 4 phần: 1) phương pháp tạo ra môi trường lớp học có sự hỗ trợ về mặt cảm xúc; 2) Phương pháp sử dụng các chiến lược quản lý lớp học như áp dụng nội quy lớp và  xây dựng nề nếp trong lớp học; (3) Phương pháp giảng dạy học sinh mầm non các kỹ năng xã hội và cảm xúc (Chương IV); và 4) phương pháp xây dựng kế hoạch quản lý hành vi của mỗi cá nhân học sinh và của cả lớp. Việc tập huấn giáo viên diễn ra trọn năm ngày và sử dụng các phương pháp thực hành như phân vai, giải quyết tình huống, phản hồi tích cực và thiết lập mục tiêu. Bộ công cụ này đã được chứng minh giúp làm giảm việc sử dụng bạo lực của giáo viên nhắm đến học sinh, cũng như giúp nâng cao hành vi hướng đến cộng đồng của trẻ.

Trò chơi Hành vi Tốt Kellam et al, 2008; Schneider et al, 2016

Trò chơi Hành vi Tốt khuyến khích học sinh tuân thủ các quy tắc của lớp học, biết chia sẻ và phối hợp. Trẻ được chia thành các đội và chơi một trò chơi mà trong đó các em phải tuân thủ 4 quy tắc: làm việc trong trật tự, lịch sự với người khác, xin phép khi rời khỏi chỗ, và tuân thủ các hướng dẫn. Các đội tuân theo quy tắc và phối hợp với nhau sẽ được khen thưởng. Tại Hoa Kỳ sau 14 năm áp dụng, trò chơi này đã giúp giảm các hành vi hung hăng và chống đối của trẻ.

 

Bước tiếp theo là xem xét đưa vấn đề kỷ luật tích cực và quản lý lớp học trong các khóa đào tạo trước khi đứng lớp. Khi tổ chức tập huấn tập trung cho đối tượng chuẩn bị đứng lớp, xem xét việc bàn bạc với các cơ sở chịu trách nhiệm đào tạo. Điều này giúp đảm bảo tất cả giáo viên đều thành thạo kỹ năng tạo ra các môi trường học tập an toàn ngay từ khi bắt đầu sự nghiệp giảng dạy.

 

Trao đổi với giáo viên về giá trị và niềm tin; tập huấn cho họ về kỷ luật tích cực và quản lý lớp học

Hành động trọng tâm Hành động mở rộng
• Tập huấn giáo viên về kỷ luật tích cực và quản lý lớp học.

• Tạo các phương pháp hỗ trợ lẫn nhau dành cho giáo viên.

• Tăng cường hỗ trợ giáo viên trong công tác quản lý

• Đề cập và chuyển đổi niềm tin và các chuẩn mực xã hội, văn hóa và giới tính có hại trong giáo viên

• Kết hợp đào tạo về kỷ luật tích cực và quản lý lớp học với các chuẩn mực xã hội, văn hóa và giới tính trước và trong thời gian làm công tác giảng dạy.

 

 

Các nguồn tài liệu bổ sung

 Naker and Sekitoleko (2009). Positive discipline. Creating a good school without corporal punishment. Kampala, Uganda: Raising Voices, 2009. Cẩm nang về áp dụng kỷ luật tích cực trong lớp học
 United Nations Educational, Scientific and Cultural Organization (UNESCO). Stopping violence in school: a guide for teachers. Paris: UNESCO, 2009.  Hướng dẫn cho giáo viên về 10 hoạt động để phòng tránh và chấm dứt bạo lực tại nhà trường.
 United Nations Educational, Scientific and Cultural Organization (UNESCO). Positive discipline in the inclusive, learning friendly classroom. A guide for teachers and teacher educators. Paris: UNESCO, 2015. Bộ công cụ dành cho giáo viên, nhân viên hành chánh và viên chức giáo dục giúp quản lý lớp học hiệu quả bằng cách áp dụng kỷ luật tích cực.
 Education International. Building a gender friendly school environment: a toolkit for educators and their unions. Educational International, 2007.  Bộ công cụ dành cho các nhà giáo dục giúp tạo ra môi trường lớp học an toàn, lành mạnh Tập trung phản bác  các định kiến tiêu cực về giới và bất bình đẳng giới tính.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.