20 cách đưa ra phản hồi hiệu quả trong học tập

BBT: Việc nhận xét hay phản hồi kết quả học tập cũng như quá trình tham gia hoạt động lớp học cho học sinh là một việc hết sức quan trọng của người giáo viên, hay bất kỳ ai tham gia vào việc chăm sóc và giáo dục trẻ. Ngoài các phương pháp dạy học và nghiệp vụ sư phạm cần có khi đứng lớp, kỹ năng đưa ra nhận xét, phản hồi hiệu quả cũng cần được người giáo viên quan tâm và rèn luyện từng ngày. Phản hồi đúng lúc, đúng cách mang lại hiệu quả học tập vượt trội, giúp giáo viên lẫn học sinh ngày càng phát huy khả năng dạy và học. 

Tuy nhiên, việc này lại gây nhiều khó khăn cho đa số giáo viên, vì họ loay hoay không biết phải phản hồi như thế nào cho đúng, đủ nhưng không kém phần khéo léo và hiệu quả. Nếu bạn cũng băn khoăn và muốn biết đâu là bí quyết của những phản hồi học tập tuyệt vời, hãy cùng FLC tìm hiểu qua bài viết sau nhé!

—————————————————

Trong khi việc đánh giá đang trở nên khá phổ biến và được truyền bá rộng rãi, nhưng chúng ta vẫn còn hiểu sai về việc phản hồi hiệu quả cho việc học.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khi phản hồi từ giáo viên chủ yếu là tiêu cực, nó có thể hủy hoại mọi nỗ lực và thành tích của học sinh (Hattie & Timperley, 2007, Dinham). Theo kinh nghiệm của tôi, điều duy nhất tôi biết là tôi ghét phải nói trước đám đông, và tôi sẽ làm bất cứ điều gì có thể để tránh phải thực hiện điều này. Đối với vai trò một giáo viên, chúng ta đều có thể dễ dàng đưa ra những phản hồi tích cực và mang tính khích lệ hầu hết mọi lúc.

Tuy nhiên, trong những thời điểm khác nhau, chúng ta phải đi sâu tìm hiểu phản hồi thích hợp để không làm nản lòng việc học của học sinh. Đây là điểm làm học trò nhớ mãi về hình ảnh tích cực của người thầy, làm người thầy đó trở nên nổi bật hơn hẳn những giáo viên khác.

Giáo viên có trách nhiệm riêng trong việc bồi dưỡng việc học của học sinh và đưa ra những phản hồi làm sao để tránh việc học sinh rời lớp học với cảm giác bị “hạ gục, đánh bại”. Sau đây là 20 ý tưởng và kỹ thuật về cách đưa ra phản hồi học tập hiệu quả, giúp học sinh của bạn cảm thấy rằng chúng có khả năng chinh phục cả thế giới.

1. Thông tin phản hồi phải mang tính chất giáo dục.

Đưa ra phản hồi có nghĩa là đưa ra cho học sinh những lời giải thích về những điều chúng đang làm là đúng hay sai. Tuy nhiên, trọng tâm của phản hồi về cơ bản phải dựa trên những gì học sinh đang làm đúng. Việc học tập của học sinh sẽ diễn ra hiệu quả nhất khi chúng được nhận lời giải thích và ví dụ về những gì chính xác và không chính xác cho công việc mà chúng đang làm.

Cân nhắc sử dụng khái niệm ‘Feedback Sandwich[1] làm hướng dẫn trong việc đưa ra phản hồi của bạn, đó là: Khen ngợi, Chỉnh sửa, và Khen ngợi.

2. Thông tin phản hồi cần được đưa ra kịp thời.

Khi giáo viên đưa ra phản hồi ngay sau khi những lỗi sai trong quá trình học được làm sáng tỏ, học sinh phản hồi tích cực và tự tin ghi nhớ kinh nghiệm học tập đó hơn. Nếu chúng ta đưa ra phản hồi quá lâu, khoảnh khắc trên sẽ bị mất và học sinh khó có thể kết nối những phản hồi với hành động tiếp theo của chúng.

3. Nhạy cảm với các nhu cầu cá nhân của học sinh

Điều quan trọng là chúng ta phải xem xét từng học sinh khi quyết định đưa ra phản hồi. Các lớp học thường có đa dạng các kiểu học trò. Một số học sinh cần được thúc đẩy để đạt được trình độ cao hơn, trong khi những học sinh khác cần chúng ta quan tâm nhẹ nhàng hơn để không làm nản lòng việc học và làm tổn hại đến lòng tự trọng của chính các em. Cân bằng giữa việc không muốn làm tổn thương cảm xúc của học sinh và khuyến khích, động viên chúng một cách thích hợp là điều thực sự cần thiết.

4. 4 câu hỏi

Các nghiên cứu về dạy và học hiệu quả (Dinham, 2002, 2007a; 2007b) đã chỉ ra rằng người học muốn biết vị trí của bản thân đối với việc học của họ. Trả lời bốn câu hỏi sau đây một cách thường xuyên sẽ giúp bạn có được những phản hồi chất lượng. Bốn câu hỏi này cũng hữu ích cho bạn trong việc cung cấp phản hồi cho phụ huynh:

Học sinh có thể làm gì?

Học sinh không thể làm gì?

Việc học của một học sinh đang diễn ra như thế nào so với những học sinh khác?

Làm thế nào để học sinh có thể học tốt hơn?

5. Thông tin phản hồi nên đề cập đến một kỹ năng hoặc kiến thức cụ thể.

Đây là lúc các phiếu đánh giá trở thành một công cụ hữu ích (ví dụ: phiếu đánh giá đơn). Phiếu đánh giá là một công cụ để truyền đạt những mong ước, yêu cầu của giáo viên đối với một bài tập nào đó và là một cách thức hữu ích để đưa ra phản hồi hiệu quả cho việc học. Phiếu đánh giá hiệu quả cung cấp cho học sinh thông tin cụ thể về hiệu suất học tập của chúng, được đánh giá dựa trên một loạt các tiêu chuẩn đã được thiết lập. Đối với học sinh nhỏ tuổi, hãy thử làm nổi bật các mục trong phiếu đánh giá của học sinh hoặc thử sử dụng biểu đồ hình dán.

6. Đưa ra phản hồi để giữ vững phong độ học tập của học sinh

Thường xuyên tham gia kết nối với học sinh để chúng biết được đối với bạn và trong lớp học, chúng đang giữ vị trí như thế nào. Sử dụng ‘4 câu hỏi’ được nói đến ở trên làm hướng dẫn giúp bạn đưa ra phản hồi của mình.

7. Tổ chức họp trao đổi một-đối-một

Một cuộc họp trực tiếp với học sinh là một trong những phương tiện hiệu quả nhất để giáo viên đưa ra phản hồi. Học sinh sẽ nhận được sự chú ý và có cơ hội để hỏi những câu hỏi cần thiết. Nhìn chung, cuộc họp tính chất một-đối-một nên diễn ra lạc quan, vì như vậy học sinh sẽ mong chờ và sẵn sàng tham gia các cuộc họp tiếp theo.

Đối với tất cả các khía cạnh của giảng dạy, chiến lược này yêu cầu người giáo viên quản lý thời gian tốt. Hãy thử gặp riêng một học sinh trong khi các học sinh khác đang làm việc độc lập. Thời gian các cuộc họp không nên kéo dài quá 10 phút.

10. Phản hồi có thể được đưa ra bằng lời nói hoặc bằng văn bản.

Hãy chắc chắn rằng những cái nhíu mày của bạn nằm trong tầm kiểm soát. Chúng ta bắt buộc phải theo sát và kiểm tra các “tín hiệu không lời” của mình. Biểu hiện gương mặt và cử chỉ cũng là những phương tiện truyền tải phản hồi của bạn. Điều này có nghĩa là , tốt nhất bạn không nên cau có khi trả lại bài tập đã chấm cho học sinh.

9. Tập trung vào một khả năng hoặc kỹ năng.

Việc đưa ra nhận xét, phê bình về một kỹ năng trọng tâm trong bài tập thay vì dàn trải nhận xét cho tất cả các kỹ năng làm bài của học sinh có tác động tốt hơn đến quá trình học hỏi của chúng

Ví dụ: khi tôi dạy phương pháp Writer’s Workshop[2] ở cấp tiểu học, tôi sẽ cho học sinh biết rằng vào ngày hôm đó, tôi sẽ kiểm tra về điều gì trong bài viết, ví dụ là việc chúng có ghi nhớ thụt đầu dòng ở các đoạn văn trong bài viết hay không. Khi tôi trao đổi với một học sinh về bài viết của chúng, thì kiểm tra thụt đầu dòng các đoạn văn sẽ là trọng tâm của tôi thay vì tất cả các khía cạnh khác trong bài viết. Ngày hôm sau sẽ là một khía cạnh khác nữa, và cứ như vậy để tránh nhận xét quá nhiều khía cạnh trong 1 buổi học.

10. Thay đổi luân phiên hạn nộp bài cho học sinh / lớp học của bạn.

Sử dụng chiến lược này khi chấm điểm các bài luận hoặc bài kiểm tra để đưa ra các phản hồi hiệu quả cho việc học. Chiến lược này cung cấp cho bạn thời gian cần thiết để đưa ra phản hồi bằng văn bản chất lượng. Chiến lược này cũng bao gồm việc sử dụng biểu đồ xoay vòng để học sinh có thể trao đổi, thảo luận về bài học với nhau ở mức độ sâu. Học sinh cũng sẽ biết được khi nào đến lượt chúng gặp bạn để trao đổi về bài vở và tăng khả năng cho học sinh có cơ hội đặt câu hỏi trong các cuộc thảo luận ở lớp.

11. Dạy cho học sinh cách đưa ra nhận xét, phản hồi cho nhau.

Làm mẫu cho học sinh xem phản hồi thích hợp sẽ là như thế nào, nghe ra làm sao. Với tư cách là giáo viên tiểu học, chúng ta gọi đây là “peer conferencing” – là khi hai người bạn cùng lớp cùng làm việc và xem xét kỹ bài viết của nhau, sau đó đóng góp ý kiến lẫn nhau giúp cho bài viết của chúng tốt hơn. Dạy cho học sinh cách đưa ra phản hồi mang tính xây dựng cho nhau theo cách tích cực và hữu ích nhất. Khuyến khích học sinh sử dụng giấy ghi chú để ghi lại các phản hồi đã đưa ra cho bạn mình.

12. Nhờ một người lớn khác đưa ra phản hồi.

Hiệu trưởng ở trường tôi từng dạy thường tình nguyện chấm các bài kiểm tra lịch sử hoặc đọc các bài viết của học sinh. Bạn cứ tưởng tượng mà xem, chất lượng bài viết của học sinh sau này sẽ tăng lên gấp mười lần sau khi được hiệu trưởng chấm và cho nhận xét đấy! Nếu hiệu trưởng quá bận (và hầu hết là như vậy), hãy mời một giáo viên ‘khách’ hoặc một trợ giảng/ giáo sinh để chấm và đưa ra nhận xét cho bài làm của học sinh.

13. Yêu cầu học sinh ghi chép lại các phản hồi

Trong các cuộc thảo luận sau bài kiểm tra, hãy cho phép học sinh vừa sửa bài vừa nghe bạn trò chuyện, nhận xét. Học sinh có thể sử dụng một cuốn sổ để ghi lại các ghi chú khi bạn đưa ra những phản hồi bằng lời nói cho bài kiểm tra của chúng.

14. Sử dụng sổ ghi chép để theo dõi sự tiến bộ của học sinh.

Sử dụng một quyển sổ ghi chép cho lớp học của bạn. Viết nhận xét hàng ngày hoặc hàng tuần của mỗi học sinh, ghi chú lại ngày tháng ghi nhận xét nếu cần. Theo dõi các câu hỏi hay mà học sinh hỏi, các vấn đề về hành vi, các lĩnh vực cần cải thiện, điểm kiểm tra, v.v. Tất nhiên, điều này đòi hỏi bạn phải quản lý thời gian tốt, tuy nhiên, bạn sẽ cảm thấy sẵn sàng và tự tin khi tổ chức các cuộc họp với phụ huynh hay học sinh.

15. Trả bài kiểm tra hoặc phiếu nhận xét đầu giờ học.

Giáo viên nên trả bài kiểm tra vào đầu giờ học thay vì kết thúc, cho phép học sinh đặt những câu hỏi cần thiết và tổ chức một cuộc thảo luận trong lớp có liên quan đến vấn đề đó

16. Sử dụng giấy ghi chú

Đôi khi đọc một nhận xét sẽ hiệu quả hơn là chỉ nghe nó. Trong thời gian học sinh làm việc độc lập, bạn hãy thử viết các nhận xét phản hồi trên một tờ giấy ghi chú rồi dán chúng lên bàn của học sinh tương ứng. Một trong những học sinh cũ của tôi gặp khó khăn trong việc tập trung khi làm bài, nhưng cậu ấy sẽ bực bội và cảm thấy xấu hổ khi bị tôi gọi tên phê bình về hành vi thiếu tập trung trước lớp.

Sau đó cậu bé sẽ tức giận bỏ đi và từ chối làm bất kỳ công việc nào vì cậu cho rằng tôi đã làm nhục cậu trước lớp. Vì thế, tôi sử dụng giấy ghi chú để nhắc nhở mỗi khi cậu ấy mất tập trung. Mặc dù đó không phải là cách sử dụng thời gian hiệu quả nhất của tôi, nhưng nó thực sự có tác dụng đối với cậu bé, nó cũng như một cách để đưa ra phản hồi hiệu quả cho việc học.

17. Khen ngợi chân thành.

Học sinh dễ dàng nhận ra việc giáo viên sử dụng lời khen ngợi vô nghĩa để giành được sự đồng tình. Nếu bạn liên tục nói với học sinh của mình rằng ‘Good Job’ hoặc ‘Nice Work’ thì theo thời gian, những từ ngữ khen ngợi này trở nên vô nghĩa. Hãy cho điểm A + trong bài kiểm tra từ vựng của học sinh. Nếu bạn cảm thấy thích thú và hài lòng với những thể hiện của học sinh gần đây, hãy cho những số điểm cao hơn, ấn tượng hơn, và hơn thế nữa hãy dành cho chúng những lời động viên và khen ngợi.

Gọi điện thoại về nhà kể cho bố mẹ nghe, để họ biết bạn hào hứng như thế nào với những thể hiện tốt của học sinh. Các nhận xét và đề xuất trong phản hồi chân thành cũng phải mang tính ‘tập trung, thiết thực và dựa trên đánh giá về những gì học sinh có thể làm và có khả năng đạt được’ (Dinham).

18. “Thầy/Cô nhận thấy rằng….”

Cố gắng nhận thấy cố gắng hoặc nỗ lực của học sinh trong một nhiệm vụ. Ví dụ; “Thầy/Cô thấy là nếu em nhóm lại chính xác cột hàng trăm, là em có thể giải được bài rồi đó” “Thầy/Cô thấy em đến lớp đúng giờ trong cả tuần này đó” Việc ghi nhận một học sinh và những nỗ lực mà chúng đang thực hiện sẽ ảnh hưởng tích cực đến kết quả học tập.

19. Đưa ra một khuôn mẫu hoặc ví dụ cho những đánh giá của bạn

Trao đổi với học sinh về mục đích của việc đánh giá và / hoặc phản hồi. Lấy một ví dụ minh họa cho học sinh về cách cho điểm của bạn, ví dụ như hình thức của một bài kiểm tra đạt A+, đồng thời cũng đưa ví dụ về 1 bài làm đạt loại C sẽ khác như thế nào. Điều này đặc biệt quan trọng ở các cấp học cao như cao đẳng, đại học.

20. Mời học sinh đưa ra phản hồi, nhận xét về bạn

Hãy nhớ lại khi bạn hoàn thành một lớp học ở trường đại học và bạn được trao cơ hội để ‘chấm điểm’ cho giảng viên. Sẽ thật tuyệt cho bạn để nói ra những khúc mắc trong lòng, như việc đọc mãi một quyển sách mà giảng viên giao thật quá nhàm chán, mà không lo điều bạn nói sẽ ảnh hưởng đến điểm số cả kỳ? Tại sao không để học sinh phản hồi cho bạn về cách dạy mà bạn đang thực hiện?

Hãy cho phép học sinh gửi phản hồi ẩn danh. Chúng thích gì và không thích gì về lớp học của bạn? Nếu chúng đóng vai là giáo viên, chúng có cách nào khác không? Chúng học được gì nhiều nhất từ ​​bạn? Nếu chúng ta cởi mở với học sinh, chúng ta sẽ nhanh chóng học được một vài điều về bản thân mình – với tư cách là những nhà giáo dục.

Hãy nhớ rằng phản hồi có hai chiều và với tư cách là giáo viên, điều khôn ngoan là không ngừng cải thiện và mài giũa các kỹ năng của chính mình.

*Chú thích:

[1]:Feedback Sandwich là khi cấp trên, người quản lý hoặc đồng nghiệp đưa ra những lời phản hồi mang tính xây dựng, hoặc phản hồi mang tính tích cực-tiêu cực-tích cực xen kẽ nhau.

[2]: Writer’s Workshop là một phương pháp dạy viết lấy học sinh làm trung tâm với phương châm rằng học sinh sẽ cải thiện kĩ năng viết một cách tốt nhất khi chúng viết thường xuyên, trong khoảng thời gian dài, và về các chủ đề chúng chọn


Tác giả: Laura Reynolds

Nguồn: 20 Ways To Provide Effective Feedback For Learning

Dịch giả: Vũ Phương Quỳnh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.